- Tựa sách:Người tình Hoa Bắc
- Tác giả:Margarite Duras
- Ngôn ngữ:Tiếng Việt
- Dịch giả:Lê Hồng Sâm
- Download E-book: nguoitinhhoabac.pdf
Bảy năm sau thành công chói lòa của Người tình (giải Goncourt 1984), Marguerite Duras viết lại một lần nữa câu chuyện tình giữa cô bé da trắng và người Hoa. Ở trang mở đầu Người tình Hoa Bắc, bà nói “Lẽ ra cuốn truyện có thể mang tên: Người tình trên phố hoặc Tiểu thuyết về người tình hoặc Truyện Người tình viết lại. Cuối cùng người ta đã lựa chọn giữa cái tựa rộng hơn, thực hơn: Người tình Hoa Bắc”.
Tuy diễn biến tình tiết không thay đổi, song phương thức tự sự của Người tình Hoa Bắc có những nét mới.
Chuyện được kể ở ngôi thứ ba, từ điểm nhìn không phải của các nhân vật, cũng không hẳn của người phụ nữ thuật chuyện, mà của một cái “ta” trung tính, từ con mắt của máy quay phim. Tác phẩm mang tính chất kép, như nhà văn xác định: “Đây là một cuốn sách. Đây là một bộ phim”.
Đối thoại có vị trí rất lớn, sự trao đổi những lời lẽ vắn tắt, đứt quãng, như thăm dò, như khám phá các nẻo đường, các ngõ cụt, trong giao tiếp của con người, nhân vật tự bộc lộ qua những điều nói lên, và không nói lên. Nếu như Người tình lôi cuốn độc giả bằng giọng điệu tâm sự, hơi thở sâu lắng của một thứ văn xuôi tinh tế “không giống bất kỳ một văn xuôi nào khác” thì Người tình Hoa Bắc, với dáng dấp một kịch bản điện ảnh, lại gây kinh ngạc bởi sự tỉnh lược, cô đọng, bởi cách viết ngắn gọn, đi tới “tối thiểu”.
Trong sự thể hiện nhân vật, cũng có những nét mới. Thanh, người được nhà văn đề tặng tác phẩm, không có mặt trong Người tình – giống như cô gái Alice. Người Hoa, một trong hai nhân vật chính, khác nhân vật của Người tình, anh “táo bạo hơn”, “tuấn tú hơn, khỏe mạnh hơn”. Quan hệ của anh với gia đình cô bé không giống như trong Người tình, ở đây không phải người anh cả không thèm biết đến sự tồn tại của người Hoa và áp đặt cách đối xử đó cho tất cả những người khác, mà ngược lại, chính người Hoa nhiều lần coi như không có người anh cả. Anh giành được thiện cảm của bà mẹ, của Thanh, không chỉ do tiền bạc, mà bởi chính con người anh. Cô bé sớm cảm nhận và từng nói lên tình yêu của cô với anh, không giống như trong Người tình, chỉ đến giây phút chia lìa mới thấy được sự tồn tại của tình yêu ấy.
Khác biệt xiết bao so với nhân vật Jo trong Một con đập ngăn Thái Bình Dương (1950), anh chàng da trắng xấu xí, thảm hại, chỉ thu hút sự quan tâm của Suzanne và gia đình cô bé vì lý do kinh tế đơn thuần. Và nếu ngược lên đến hình ảnh Léo trong nhật ký những năm 40 của Marguerite Donnadieu, gã bản xứ “xấu xí rõ rệt hơn một người An Nam trung bình” mà cái hôn trộm khiến cô ghê tởm đến nỗi “khạc nhổ không ngừng, khạc nhổ suốt đêm”, thì Người tình Hoa Bắc, xuất hiện sau nửa thế kỷ, quả là một dị bản hoàn thiện, và tương phản trọn vẹn.
Thế nhưng người Hoa có tồn tại thực hay không? Và nếu như ở Sa Đéc ngôi mộ của người Hoa họ Huỳnh còn đó, thì liệu có tồn tại chăng câu chuyện tình với cô bé da trắng, hay với bà mẹ của cô, như một số người gợi ý? Không thể đưa ra một khẳng định nào, bởi với Marguerite Duras, sự thực cao nhất, duy nhất đáng kể, chính là sự thực văn chương, nhà văn đồng nhất hóa mình với tác phẩm đến mức không còn biết điều gì là tự thuật và điều gì là hư cấu.
Điều lay động ta khi đọc và ám ảnh ta lâu dài sau đó, chính là sức mạnh mê hoặc của những chủ đề trở đi trở lại, quấn quýt lấy nhau, xuyên qua toàn bộ sáng tác của nhà văn: ham muốn, tình yêu, cái chết. Riêng với độc giả Việt Nam, sức hấp dẫn không cưỡng nổi còn từ vẻ đẹp của những đêm mùa khô, của những cơn mưa gió mùa, của mênh mang đồng ruộng, của xóm ghe thuyền, của bầy trẻ đánh xe trâu, những hình ảnh vừa huyền ảo, vừa rất thực, rất sống động, của mảnh đất phương Nam…
Nhục cảm, tình yêu, sự dâng hiến và cả những đau thương chói sáng, tất cả những yếu tố đã làm nên một Marguerite Duras mê hoặc đều hiện diện trong Người tình Hoa Bắc, cuốn sách “3 in 1” vừa là một kịch bản điện ảnh vừa như một tự truyện và trên hết là một tiểu thuyết tràn đầy xúc cảm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét