Bạn đang cần đề tài cũng như tài liệu tham khảo cho đợt thực tập tốt nghiệp năm cuối của mình? Vậy bạn có thể tham khảo bải khóa luận tốt nghiệp ngành Luật dưới đây với đề tài nghiên cứu: Chế độ sở hữu đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam để chuẩn bị cho đồ án, khóa luận tốt nghiệp sắp tới đây của bạn. VnDoc chúc các bạn có một kỳ báo cáo thực tập thành công!
PHẦN MỞ ĐẦU
Lý do chọn đề tài
Với vai trò là một bộ phận quan trọng của tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên rừng được xem là cái nôi nuôi dưỡng sự sống trên Trái Đất đồng thời là nguồn lực phát triển kinh tế tài chính vững mạnh, góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh tổng hợp cho một quốc gia. Tầm ảnh hưởng của tài nguyên rừng không chỉ đối với từng cộng đồng, từng quốc gia riêng lẻ mà nó còn có ý nghĩa trên phạm vi toàn thế giới.
Để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên này, Nhà nước Việt Nam đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng hệ thống pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp nhằm thiết lập hệ thống các cơ quan quản lý chuyên ngành từ trung ương đến địa phương - một trong những công cụ hữu hiệu thay mặt Nhà nước thực thi các quy định của pháp luật vào thực tế quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng. Và đề thực hiện thống nhất trên toàn quốc một cơ chế quản lý, từ Hiến pháp 1980 trở đi, Nhà nước ta chỉ công nhận duy nhất một chế độ sở hữu đối với tài nguyên rừng, đó là chế độ sở hữu toàn dân.
Qua một quá trình phát triển cho đến nay, chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng vẫn khẳng định được tính tất yếu phù hợp của nó, đương nhiên, về mặt nội hàm phải có ít nhiều thay đổi để thích ứng với tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội điển hình của giai đoạn công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Lựa chọn nghiên cứu đề tài chế độ sở hữu đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam, tác giả mong muốn khẳng định lại một lần nữa về sự cần thiết của chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng với vai trò chủ đạo của hình thức sở hữu Nhà nước trong khâu quản lý và bảo vệ rừng, cùng với đó là đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật về sở hữu tài nguyên rừng ở nước ta.
Tình hình nghiên cứu đề tài
Chế độ sở hữu toàn dân ở Việt Nam nói chung là một vấn đề thu hút được rất nhiều sự chú ý của các nhà học giả, các nhà khoa học. Tuy nhiên, số lượng đề tài nghiên cứu chuyên sâu về chế độ sở hữu đối với tài nguyên rừng nói riêng chưa thực sự đáng chú ý. Qua tìm hiểu, có một số bài viết và công trình có đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề sở hữu tài nguyên rừng ở Việt Nam đáng quan tâm như sau:
Trên các tạp chí khoa học:
Hoàng Huy Tuấn (2013), "Sự phân quyền và quyền sở hữu trong quản lý tài nguyên thiên nhiên: Tiếp cận lý thuyết và bối cảnh hóa trong quản lý rừng ở Việt Nam", Tạp chí Khoa học lâm nghiệp, số 1/2013, tr.2657-2669.
Vũ Long (2005), "Về quyền sở hữu rừng tự nhiên" đăng trên website của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
Nguyễn Đại Anh Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa thiên Huế (2014), "Xã hội hóa quản lý tài nguyên rừng – bài toán dang dở" đăng trên website của Trung tâm Con người và Thiên nhiên.
Báo cáo khoa học:
Tô Xuân Phúc & Trần Hữu Nghị (2014), Giao đất giao rừng trong bối cảnh tái cơ cấu ngành lâm nghiệp: Cơ hội phát triển rừng và cải thiện sinh kế vùng cao, Huế.
Luận văn:
Nguyễn Thị Thu Trang (2012), Phân quyền sở hữu tài sản trong giao rừng cho cộng đồng ở Tây Nguyên, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, trường đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh.
Sách chuyên khảo:
Nguyễn Thanh Huyền (2013), Pháp luật về quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
Các bài viết, đề tài nghiên cứu trên chủ yếu tập trung nghiên cứu một phần nội dung của cơ chế sở hữu tài nguyên rừng ở Việt Nam, chưa khái quát cụ thể chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng cũng như cách thức vận hành quyền sở hữu rừng với hai hình thức sở hữu theo quy định của pháp luật hiện hành. Chính vì vậy, tác giả đã chọn nghiên cứu làm rõ về chế độ sở hữu đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam.
Các bài viết, đề tài nghiên cứu trên chủ yếu tập trung nghiên cứu một phần nội dung của cơ chế sở hữu tài nguyên rừng ở Việt Nam, chưa khái quát cụ thể chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng cũng như cách thức vận hành quyền sở hữu rừng với hai hình thức sở hữu theo quy định của pháp luật hiện hành. Chính vì vậy, tác giả đã chọn nghiên cứu làm rõ về chế độ sở hữu đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam.
Mục đích nghiên cứu của đề tài
Nghiên cứu, phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam nhằm làm sáng tỏ bản chất của chế độ sở hữu toàn dân đối với với tài nguyên rừng đồng thời nghiên cứu nội dung cách thức thực hiện quyền sở hữu rừng ở Việt Nam theo pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng từ đó đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật về sở hữu rừng ở nước ta.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chủ yếu mà đề tài muốn hướng đến đó chính là chế độ sở hữu đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam, cụ thể hơn đó là các quy định pháp lý về chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam với hai hình thức sở hữu: sở hữu tư nhân và sở hữu Nhà nước.
Phạm vi nghiên cứu
Tác giả tìm hiểu cơ chế sở hữu đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam thông qua việc nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành như Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Bộ luật dân sự 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và các văn bản pháp luật của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban ngành liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp...
Bên cạnh đó, để phục vụ cho công tác nghiên cứu, tác giả cũng tham khảo các văn bản, tài liệu liên quan của nhiều tác giả, nhà nghiên cứu hoặc tổ chức khác có công trình nghiên cứu hoặc báo cáo chuyên môn trong lĩnh vực lâm nghiệp về các hình thức sở hữu rừng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.
Phương pháp tiến hành nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu chủ đạo là phương pháp phân tích, tổng hợp và phương pháp nghiên cứu lý thuyết.
Phương pháp phân tích, tổng hợp: đây là phương pháp được sử dụng xuyên suốt đề tài nhằm tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định về chế độ sở hữu cũng như phương thức thực hiện quyền sở hữu đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam, phân tích cách thức thực hiện mô hình sở hữu đối với tài nguyên rừng từ đó chỉ ra các ưu điểm và nhược điểm của pháp luật Việt Nam về quản lý và bảo vệ rừng.
Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: tác giả thu thập nhiều tài liệu trong và ngoài nước từ sách tham khảo, mạng điện tử, tạp chí... để nghiên cứu nhằm đưa ra các cơ sở lý luận vững chắc, xác thực cho đề tài.
Ngoài ra, tác giả cũng kết hợp với nhiều phương pháp khác để đạt được hiệu quả cao cho cho đề tài nghiên cứu như phương pháp so sánh, so sánh giữa quy định về sở hữu đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam với mô hình sở hữu tài nguyên rừng của một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm hướng tới hoàn thiện hơn chế độ sở hữu và phương thức quản lý và bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên này ở nước ta.
Phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử duy vật Mac – Lênin để nghiên cứu cơ sở hình thành cũng như pháp luật về chế độ sở hữu đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam song song với việc kết hợp các phương pháp nghiên cứu phân tích số liệu thực tế, xây dựng giả thuyết... để rút ra kết luận nhằm làm sáng tỏ đề tài nghiên cứu.
Bố cục tổng quát của khóa luận
Bên cạnh Phần mở đầu, Kết luận, Mục lục, Phụ lục và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của đề tài được cấu trúc thành hai chương bao gồm:
Chương 1: Khái quát về chế độ sở hữu tài nguyên rừng ở Việt Nam
Chương 2: Thực trạng quyền sở hữu rừng ở Việt Nam.