Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Đồ án tốt nghiệp: Xử lý số liệu bản đồ mô hình số độ cao khu vực Tây Nguyên phục vụ cho nghiên cứu địa động lực

0 nhận xét
Bạn đang đau đầu tìm kiếm đề tài và tài liệu tham khảo cho kỳ báo cáo thực tập tốt nghiệp sắp tới đây của mình. Các bạn có thể tham khảo đồ án tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin dưới đây với đề tài: Xử lý số liệu bản đồ mô hình số độ cao khu vực Tây Nguyên phục vụ cho nghiên cứu địa động lực. chúc các bạn được đánh giá cao qua đồ án tốt nghiệp này! 
Đồ án tốt nghiệp:  Xử lý số liệu bản đồ mô hình số độ cao khu vực Tây Nguyên phục vụ cho nghiên cứu địa động lực đồ án tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin
LỜI MỞ ĐẦU
Với sự phát triển của khoa học công nghệ thì ngày nay công nghệ thông tin được áp dụng vào mọi ngành nghề trong đời sống – xã hội. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào các mọi ngành nghề giúp tối ưu hóa thời gian cho con người đồng thời mang lại độ chính xác cao trong công việc, giảm bớt sức lao động của con người. Song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin như vậy, ngành địa chất cũng xác định được tầm quan trọng của công nghệ thông tin để áp dụng vào xây dựng và giải các bài toán trong địa chất. Ví dụ như việc áp dụng thành lập các bản đồ địa chất, quản lý dữ liệu địa chất, tính toán trữ lượng khoáng sản....
Việc áp dụng công nghệ thông tin vào ngành địa chất mang lại sự nhanh chóng và chính xác, mang tính vượt trội so với các phương pháp cổ điển mà con người trực tiếp phải xử lý. Áp dụng công nghệ thông tin trong địa chất cũng dẫn đến các nhà địa chất có những phán đoán chính xác hơn trong việc dự đoán, phân tích trong những vấn đề của địa chất học. Hiện nay, trên thế giới việc áp dụng công nghệ thông tin vào ngành địa chất học đã mang lại nhiều thành tựu cho sự vượt bậc của nó.
Đã có rất nhiều những chương trình phần mềm được xây dựng phục vụ trong công tác nghiên cứu về địa chất đã được công bố mang lại những hiệu quả rất cao trong công việc, dẫn đến những chương trình này là những phần không thể thiếu và quan trọng trong nghiên cứu... Ở Việt Nam hiện nay, trong ngành địa chất cũng đã coi trọng việc áp dụng công nghệ thông tin trong những xử lý tính toán phức tạp mà đòi hỏi con người mất nhiều thời gian và công sức.
Một điển hình cho xu thế phát triển hiện đại này là tại phòng Địa Động Lực Hiện Đại – Viện Địa Chất, một đơn vị trực thuộc của Viện Hàn Lâm Khoa Học Và Công Nghệ Việt Nam, trưởng phòng là GS. TS Phan Trọng Trịnh đã có những hướng mang tính hiện đại hóa bằng việc áp dụng nhiều phần mềm của công nghệ GIS trong việc xử lý những vấn đề mà phòng Địa Động Lực nghiên cứu, ví dụ như các phần mềm xử lý trong bản đồ như ArcGis, Surfer, MapInfo, Google Earth Pro...
Trong quá trình thực tập tốt nghiệp tại phòng Địa động lực hiện đại, em đã được biết phần nào đó về những công việc của phòng, một trong những nghiên cứu chính của phòng địa động lực đó là nghiên cứu về các đứt gãy, tìm hiểu quy luật vận động của vỏ Trái đất để có thể dự báo những thiên tai về động đất và sóng thần để cảnh báo phòng tránh những thiệt hại do nó gây ra đối với con người.
Để nghiên cứu được các đứt gãy có rất nhiều các phương pháp nghiên cứu khác nhau và một trong những phương pháp đó là nghiên cứu mặt đất từ xa sử dụng kết quả của những công nghệ hiện đại đó là dữ liệu của các vệ tinh viễn thám về Trái đất, từ đó giúp các nhà nghiên cứu về địa động lực có cái nhìn tổng quan về khu vực nghiên cứu từ đó có những định hướng chính xác về hoạt động địa động lực vùng nghiên cứu.
Một trong những sản phẩm công nghệ cao sử dụng các vệ tinh viễn thám đó là bản đồ mô hình số độ cao (DEM: Digital Elevation Model), đây là loại dữ liệu bản đồ thể hiện bề mặt địa hình (cao độ) cuả bề mặt đất, nó thể hiện một cách trung thực và trực quan giúp các nhà nghiên cứu địa động lực có thể đưa ra những phán đoán chung nhất về vị trí cũng như hướng dịch chuyển của các đứt gãy nếu có thông qua phân tích các lineament trên khu vực bản đồ DEM khu vực cần nghiên cứu.
Từ đó có những phương hướng chính xác cho những phương pháp chuyên sâu khác để đánh giá các đứt gãy đó... Đối với các nhà nghiên cứu địa động lực thì việc tổng quát hóa là rất quan trọng và bản đồ mô hình số độ cao (DEM) là một trong những công cụ hữu ích giúp họ có thể khái quát nhất về mặt địa mạo cũng như phân tích các lineament tạo tiền đề cho phân tích các đứt gãy kiến tạo.
Hiện nay nguồn số liệu về bản đồ mô hình số độ cao (DEM) rất đa dạng và phong phú, đi cùng với sự phát triển công nghệ thì các bản đồ này càng được nâng cao về độ chính xác mà mức độ chi tiết (độ phân giải). Đi cùng với bản đồ DEM độ phân giải cao thì những bản đồ này có giá rất đắt nếu cho mục đích nghiên cứu sâu và chi tiết, với những nhà nghiên cứu địa động lực nghiên cứu tổng quát thì những nguồn bản đồ DEM miễn phí có độ phân giải 30m-90m/ pixel ảnh cũng đã ứng dụng rất tốt cho mục đích nghiên cứu đó.
Tuy nhiên để có thể khai thác và sử dụng được những nguồn dữ liệu này để cho ra sản phẩm là bản đồ mô hình số độ cao DEM có thể sử dụng được cho mục đích nghiên cứu địa động lực thì cần phải có những bước xử lý số liệu từ các nguồn dữ liệu thô miễn phí thu thập được. Ứng dụng công nghệ GIS vào việc xử lý số liệu bản đồ mô hình số độ cao (DEM) phục vụ cho công tác nghiên cứu địa động lực là một giải pháp tôí ưu nhất và mang lại hiệu quả cao, chính xác và nhanh chóng.
Trong quá trình tôi thực tập tại phòng địa động lực, GS. TS. Phan Trọng Trịnh hiện đang là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước có tên "Nghiên cứu hoạt động địa động lực hiện đại khu vực Tây Nguyên dự báo các dạng tai biến địa chất ở các vùng đập, hồ chứa và đề xuất các giải pháp phòng tránh" trong chương trình phát triển Tây Nguyên 03 của Viện Hàn Lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam thì trong đề tài này cũng cần những nguồn số liệu bản đồ DEM của khu vực Tây Nguyên để dùng cho công tác nghiên cứu.
Do vậy em xin mạnh dạn đề xuất đồ án tốt nghiệp của mình với tên đề tài: "Xử lý số liệu bản đồ mô hình số độ cao (DEM) khu vực Tây Nguyên phục vụ cho nghiên cứu địa động lực" để phục vụ cho công tác nghiên cứu địa động lực khu vực Tây Nguyên, đây là một phần nhỏ của các công tác nghiên cứu địa động lực nhưng nó lại có những ý nghĩa lớn về định hướng nghiên cứu tiếp theo.
Đồ án gồm 4 chương và được bố cục như sau:
Đặt vấn đề.
Chương 1: Khái quát về mô hình số độ cao (DEM).
Chương 2: Khái quát về vùng nghiên cứu (Tây Nguyên).
Chương 3: Thu thập dữ liệu mô hình số độ cao (DEM) cho khu vực Tây Nguyên.
Chương 4: Xử lí số liệu mô hình số độ cao (DEM) ứng dụng cho nghiên cứu địa động lực khu vực Tây Nguyên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
 
Ebook miễn phí © 2012 - Xây dựng và phát triển